Tăng mức lương đóng BHXH từ 1/7/2023? Đối tượng được tăng mức lương đóng BHXH theo lương cơ sở từ 1/7/2023?

Tăng mức lương đóng BHXH từ 1/7/2023

Ngày 26/6/2023, BHXH Việt Nam đã ban hành Công văn 1927/BHXH-TST hướng dẫn thu bảo hiểm xã hội, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN theo mức lương cơ sở 1.800.000 đồng/tháng từ ngày 01/7/2023.

Theo đó, Áp dụng mức lương cơ sở 1.800.000 đồng/tháng (trước đây là 1.490.000 đồng/tháng) làm căn cứ tính mức lương đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, bảo hiểm TNLĐ-BNN từ ngày 01/7/2023 với các đối tượng:

– Người lao động tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, bảo hiểm TNLĐ-BNN thuộc đối tượng áp dụng mức lương cơ sở 1.800.000 đồng/tháng quy định tại Điều 2 làm căn cứ tính mức lương, mức phụ cấp làm căn cứ đóng quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 3 Nghị định 24/2023/NĐ-CP.

– Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và người hưởng chế độ phu nhân, phu quân tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quy định tại điểm g khoản 1 Điều 2, khoản 4 Điều 123 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 tham gia BHXH bắt buộc mà trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, hoặc trước khi hưởng chế độ phu nhân, phu quân tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài:

+ Đã có quá trình tham gia, đóng BHXH bắt buộc theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định;

+ Chưa tham gia BHXH bắt buộc hoặc đã tham gia BHXH bắt buộc nhưng đã hưởng BHXH một lần.

– Viên chức quản lý chuyên trách, Bí thư đảng ủy chuyên trách, Phó Bí thư đảng ủy, Chủ tịch công đoàn chuyên trách tại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, theo hệ số mức lương quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 52/2016/NĐ-CP ngày 13/6/2016 của Chính phủ quy định tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Các đối tượng nêu trên đóng BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm TNLĐ-BNN căn cứ tiền lương, phụ cấp tính theo mức lương cơ sở (mới) là 1.800.000 đồng/tháng từ ngày 01/7/2023.

Tăng mức lương đóng BHXH từ 1/7/2023 (Hình từ Internet)

Mức đóng BHXH tự nguyện từ 1/7/2023

Mức thu nhập tháng người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn để tính mức đóng BHXH tự nguyện từ ngày 01/7/2023 cao nhất là 36.000.000 đồng/tháng (1.800.000 đồng/tháng x 20 lần).

Mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện được tính theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn trong thời gian tối đa 10 năm. Mức hỗ trợ cụ thể:

– Hộ nghèo (30%): 1.500.000 x 22% x 30% = 99.000 đồng/tháng.

– Hộ cận nghèo (25%): 1.500.000 x 22% x 25% = 82.500 đồng/tháng.

– Người tham gia khác (10%): 1.500.000 x 22% x 10% = 33.000 đồng/tháng.

Hướng dẫn tính lãi chậm đóng BHXH bắt buộc

Theo hướng dẫn tại Công văn 1952/BHXH-TST ngày 28/4/2023:

*Lãi chậm đóng:

Đơn vị chậm đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN từ 30 ngày trở lên thì phải đóng số tiền lãi tính trên số tiền BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN chưa đóng. Tiền lãi chậm đóng được tính vào ngày đầu hằng tháng.

Phương pháp xác định tiền lãi chậm đóng, truy thu được quy định tại Điều 37 và Điều 38 Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của BHXH Việt Nam.

*Lãi suất tính lãi chậm đóng tại thời điểm tính lãi (%):

– Đối với BHXH bắt buộc, BHTN, BHTNLĐ, BNN, tính bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân năm trước liền kề theo tháng do BHXH Việt Nam công bố.

– Đối với BHYT, tính bằng 02 lần mức lãi suất thị trường liên ngân hàng kỳ hạn 9 tháng tính theo tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố trên Cổng Thông tin điện tử của Ngân hàng nhà nước Việt Nam của năm trước liền kề. Trường hợp lãi suất liên ngân hàng năm trước liền kề không có kỳ hạn 9 tháng thì áp dụng theo mức lãi suất của kỳ hạn liền trước kỳ hạn 9 tháng.

*Truy thu:

– Truy thu do trốn đóng: Trường hợp đơn vị trốn đóng, đóng không đủ số người thuộc diện bắt buộc tham gia, đóng không đủ số tiền phải đóng theo quy định, chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN (sau đây gọi là trốn đóng) do cơ quan BHXH kết luận thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BHTN, cơ quan thanh tra nhà nước có thẩm quyền kết luận từ ngày 01/01/2016 thì ngoài việc truy thu số tiền phải đóng theo quy định, còn phải truy thu số tiền lãi tính trên số tiền, thời gian trốn đóng và mức lãi suất chậm đóng như sau:

+ Toàn bộ thời gian trốn đóng trước ngày 01/01/2016, được tính theo mức lãi suất chậm đóng áp dụng đối với năm 2016;

+ Đối với thời gian trốn đóng từ ngày 01/01/2016 trở đi, được tính theo mức lãi suất chậm đóng áp dụng đối với từng năm áp dụng tại thời điểm phát hiện trốn đóng.

– Truy thu đối với người lao động sau khi chấm dứt HĐLĐ về nước truy đóng BHXH cho thời gian đi làm việc ở nước ngoài theo HĐLĐ chưa đóng: trường hợp sau 06 tháng kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ về nước mới thực hiện truy đóng BHXH thì số tiền truy thu BHXH được tính bao gồm: số tiền phải đóng BHXH theo quy định và tiền lãi truy thu tính trên số tiền phải đóng.

– Truy thu do điều chỉnh tăng tiền lương đã đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN cho người lao động: trường hợp sau 06 tháng kể từ ngày người có thẩm quyền ký quyết định hoặc HĐLĐ (phụ lục HĐLĐ) nâng bậc lương, nâng ngạch lương, điều chỉnh tăng tiền lương, phụ cấp tháng đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN cho người lao động mới thực hiện truy đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN thì số tiền truy thu BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN được tính bao gồm: số tiền phải đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN theo quy định và tiền lãi truy thu tính trên số tiền phải đóng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *